Hôm nay đổi gió không nói chuyện chuyên môn Thiết kế Xây dựng. Đây là chủ đề rộng hơn về cuộc sống, về 1 kỹ năng không thể thiếu trong thời kỳ hội nhập: tiếng Anh. Dùng nó thành thạo giống như nắm được chìa khoá mở ra cánh cửa kho tàng Tri thức nhân loại lớn nhất. Nói dân dã theo phong trào Khởi nghiệp ngày nay, đôi khi chỉ cần học theo những gì các nước tiên tiến hơn đã làm mà chưa có ở Việt Nam, cũng đã là sáng tạo một thị trường kinh doanh mới rồi. Các nước đó đều dùng tiếng Anh, ngôn ngữ phổ biến nhất thế giới, nhỉ.
Phần lớn anh chị em làm Xây dựng (hay kỹ thuật nói chung) được
dạy tiếng Anh ở trường, theo kiểu “học để thi”. Giáo trình tập trung chủ yếu
vào ngữ pháp, luyện tới luyện lui các dạng đố mẹo. Đến lúc cần dùng vào cuộc sống
(làm việc với người nước ngoài…), không ít người ngại ngùng vì không phát âm
đúng, thậm chí đến mức sợ hãi không dám nói gì.
Đây chỉ xin kể kinh nghiệm cá nhân trong đời dùng tiếng Anh
đến nay. Góc nhìn là của một người còn xa mới đạt trình độ để dạy học ai, mà là
của người dùng trong công việc và cuộc sống ở mức đủ dùng.
Lần đầu học tiếng Anh là với ông ngoại hồi tiểu học. Thời đó
tiếng Anh chưa phổ cập tới mức trẻ em được học từ khi chưa biết nói tiếng Việt như
bây giờ. Giáo trình đầu tiên là quyển sách vỡ lòng cho tuổi mầm non 😛 Trình
bày cực kỳ dễ hiểu với một đứa trẻ và kèm theo băng cassette để nghe. Vì là đứa
thích âm nhạc, tôi sớm nhận thấy học vui và dễ vào nhất các bài được thu dưới dạng
bài hát. Chúng tạo hào hứng, dễ nhớ từ ngữ, cách phát âm.
Lên cấp 2 bắt đầu học tiếng Anh theo chương trình phổ thông,
chủ yếu là ngữ pháp, các mẫu câu.. Rồi lên cấp 3 ngạc nhiên thấy lặp lại chương
trình y chang. Tiếp tục tự học theo cách đã khám phá với các bài hát, nhất là khi
có quyển sách lời các bài hát kiểu thế này, kỷ niệm một thời tuổi teen:
Hâu như trong quá trình học môn tiếng Anh ở trường tôi không gặp khó khăn, thi thường được điểm cao nên lại càng thấy thích. Đúng là có chút thành công tạo đam mê, rồi đam mê lại thúc đẩy tự học tiếp.
Tới lúc đi làm, các vốn liếng đã tích luỹ bao năm tự học của
mình giúp kỹ năng tiếng Anh trong công việc đáp ứng tốt và không cảm thấy thiếu
tự tin. Môi trường công việc thiết kế xây dựng cũng không tiếp xúc nhiều với tiếng Anh do là
ngành kỹ thuật, thỉnh thoảng mới có dự án làm việc với người nước ngoài.
Lúc này mục đích tự rèn luyện kỹ năng một cách thực dụng cho
nhu cầu công việc.
NGHE
Bắt đầu luyện nghe chậm, qua bài hát, VoA special english.
Muốn luyện nghe nhanh có thể xem phim kèm sub vừa kết hợp giải trí luôn cho đỡ
đau đầu. Cũng may không cần nghe nhanh như người bản xứ, vì khi giao tiếp với người
nước ngoài, họ thường chủ động nói chậm cho mình hiểu được.
Quan trọng là nhớ cách phát âm chính xác của các từ. Nếu
quen phát âm sai, kiểu như Heart nói thành “hớt”, hình thành thói quen khó bỏ,
dẫn tới nghe sai.
NÓI
Đầu tiên và quan trọng nhất là vượt qua nỗi Sợ: sợ nói sai
ngữ pháp (cái này phổ biến do học ngữ pháp quá nhiều), sợ phát âm sai (do thói
quen), … Sợ nên không nói, càng nói ít càng không lên trình độ được, nên càng sợ,
cứ thế tạo thành cái vòng luẩn quẩn. Để vượt qua được cần có chút dũng khí: cứ
nói đại đi, sai thì sửa sau, còn hơn không nói gì. Không cần cố nói nhanh và
hay như phát thanh viên bản xứ mới dám nói. Họ cũng biết chúng ta không phải
dân bản xứ mà, chỉ cần nói họ hiểu là được. Bí từ quá thì dùng….body language 😆
Về khía cạnh nào đó, nói giống như viết, chỉ có điều với tốc
độ nhanh hơn trong não. Cho nên luyện viết trước cũng là 1 cách luyện nói. Tập
riết rồi quen, tạo thành phản xạ, thành đường hằn trong não rồi thì dần sẽ nâng
tốc độ lên được. Tập trung vào
- Từ vựng: Vốn từ càng nhiều càng nói được nhiều. Càng nhớ
nhiều càng tạo thành phản xạ bật ra từ nhanh, không bị bí từ.
Cách trang bị: tích luỹ tiếp xúc nhiều (đọc nhiều, tra từ điển…).
Học từ theo kiểu thuộc lòng, đơn giản nhưng cũng rất ngại, đòi hỏi quá trình
dài. Ví dụ đặt mục tiêu mỗi ngày học thuộc 5 từ. Như vậy 1 tháng vốn từ đã tăng
lên 150, một năm được 1.800 từ rồi. Cứ cho hao hụt do quên là 50% thì con số
cũng không hề nhỏ.
Lưu ý các từ chuyên ngành kỹ thuật rất khác với nghĩa phổ
thông của từ đó, nên tra thêm các từ điển chuyên ngành như tratu.soha.vn…. Nhiều
lúc phải kỳ công tra Anh-Anh wikipedia để hiểu rõ 1 từ chuyên môn đúng khái niệm
của nó.
- Phát âm chuẩn: lại là yếu tố này, đủ thấy nó quan trọng thế
nào.
Chúng ta dễ gặp lỗi phát
âm sai, do thói quen, thậm chí cả do giáo viên phổ thông cũng không ít. Có thói
quen này do ta dễ phản xạ đánh vần theo kiểu tiếng Việt. Muốn sửa phải tập đánh
vần bằng phiên âm, tra cẩn thận trong từ điển từng từ. Lưu ý một số âm không có
trong tiếng Việt thì lên mạng xem họ dạy phát âm chi tiết đến tận cách uốn lưỡi
thế nào (ví dụ /θ/, /ð/….)
Tiếp đến là trọng âm, vốn được chỉ rõ trong phiên âm các từ
điển. Nó là việc nhấn mạnh vào âm nào của từ nhiều âm tiết khi nói. Cái này
cũng thường bị bỏ qua dẫn tới phát âm sai.
Giờ đây từ điển quá sẵn trên mạng, như Google Translate còn
có chức năng phát âm bằng âm thanh, là cách hay để kiểm tra phát âm đúng, miễn
là chịu khó để ý và luyện tập.
cách phát âm tham khảo trên mạng có rất nhiều, như ở đây:
ĐỌC
Đây có vẻ là kỹ năng đơn giản nhất rồi. Giờ đã có Google
Translate giúp việc đọc nhanh hơn. Đây là kỹ năng dùng nhiều nhất khi hành nghề,
để tiếp thu kiến thức mới.
Lúc đầu đọc có thể chậm, vì phải ngấu nghiến tra từng từ. Đọc
nhiều quen dần có thể lướt nhanh mà không cần tra từ nào.
Nói thêm về Ngữ pháp, dù đã học chán ở trường rồi, nếu cảm
thấy có những mẫu câu khó hiểu thì nghiên thêm tài liệu “Grammar in use” là
tương đối đủ dùng.
VIẾT
Liên quan đến công việc của dân thiết kế xây dựng chủ yếu là viết Email.
Có thể vừa viết vừa tra từ điển hay Google Translate Việt-Anh.
Ngoài vốn từ vựng, nếu Đọc nhiều cũng giúp ta thuộc nhiều mẫu
câu, ngữ pháp dân bản xứ hay dùng để viết một cách tự nhiên hơn.
Không cần thiết đặt mục tiêu viết hay như các bài essays, đối
tác có thể thông cảm được, miễn là họ hiểu đúng ý ta định truyền đạt. Trừ khi bạn
định viết bài chuyên khoa cho các tạp chí.
Kết
- Xác định mục đích học tiếng Anh của bạn là gì, đáp ứng nhu
cầu nào trong đời. Từ đó tập trung vào kỹ năng nào, không đặt mục tiêu thành
người bản xứ vì sẽ rất mất công học lan man.
- Chăm hay không bằng tay quen, tiếng Anh là thứ mang tính Kỹ
năng, duy trì sử dụng thường xuyên giúp kỹ năng không bị mai một. Đọc sách là cách
duy trì phổ biến cho dân Kỹ thuật, vừa giúp tích luỹ kiến thức mới.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét